Công Viên quốc gia YOSEMITE
Vườn Quốc gia Yosemite, hòn ngọc thiên nhiên của miền Tây Hoa Kỳ
Vườn quốc gia Yosemite nằm tại dãy núi Sierra Nevada, thuộc địa phận bang California, cách Los Angeles 500km về phía Bắc và San Francisco 300km về phía Đông. Vườn có diện tích là 3.000km2, độ cao tối thiểu là 600m, tối đa là 4.000m. Ngày 1/10/1890, Vườn quốc gia Yosemite được chính thức thành lập. Năm 1984, Yosemite được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Nơi đây được xem như một hòn ngọc thiên nhiên của vùng miền Tây Hoa Kỳ.
Vị trí nổi tiếng nhất của Vườn quốc gia Yosemite là khu vực thác nước cùng tên - thác Yosemite. Thác này cao 730m và là thác nước lớn thứ 5 trên thế giới. Vào mùa xuân khi tuyết tan là lúc thác Yosemite nước dữ dội nhất, trong khi vào cuối hè, chúng ta chỉ thấy còn lại một dòng nước nhỏ réo rắt bền triền đá.

Vẻ đẹp hùng vĩ của thác Yosemite - thác nước lớn thứ 5 trên thế giới
Ngoài thác nước Yosemite, một gốc cây cù tùng to lớn nằm ở cổng vào phía Nam vườn quốc gia cũng nổi tiếng không kém. Với chiều cao khoảng 70m và chu vi xấp xỉ 27m, cây cù tùng này được biết đến với cái tên "Wawona Tunnel Tree". Vào năm 1881, có hai người được thuê với giá 75 đôla để làm công việc cơi rộng ra một khe nứt ở gốc cây sau một đám cháy. Thế là, họ đã khoan sâu vào gốc cổ thụ và tạo ra một đường hầm dài 8m, đủ rộng để xe ngựa thời đó, và sau này là xe hơi, chạy qua. Từ đó, "tuyến đường hầm bằng gỗ" này dần dần nổi tiếng. Nhưng thật không may, đến năm 1969, một đợt tuyết rơi lớn và kéo dài đã khiến toàn bộ tán lá cây bị phủ đầy với khoảng 2 tấn tuyết. Kết cục, "chàng khổng lồ" đã ngã quỵ! Tuy nhiên, di tích gốc cây Wawona đã ngã đổ vẫn được lưu giữ và bảo quản cẩn thận, được xem như biểu tượng của một số phận nghiệt ngã trước thiên nhiên.
Di tích cây Wawona còn sót lại sau đợt tuyết rơi năm 1969
Phía Tây của Vườn là khối núi El Capitan sừng sững với vách đá là một mảng granit liền cao đến gần 1.000m. Đây là vách núi cao nhất thế giới.
Vách núi El Capitan sừng sững giữa trời xanh
Biểu tượng chính của vườn quốc gia và thường xuyên trở thành một "logo thiên nhiên" của Yosemite trên các trang quảng bá chính là "Half Dome" - khối granit hình "nửa mái vòm" vươn lên giữa trời xanh. Theo các nhà địa chất, sở dĩ phiến đá mái vòm này bị chẻ làm đôi là do tác động xói mòn từ các dòng sông băng từ cách đây vài ngàn năm.
"Half Dome" - biểu tượng chính của vườn quốc gia
Không chỉ có cảnh quan ngoạn mục, Vườn quốc gia Yosemite được thiên nhiên ban tặng cho một gia sản vô cùng quý báu, một hệ động thực vật rất phong phú. Tại đây, người ta đếm được không dưới 1.000 loài thực vật và 400 loài thú. Các sinh vật sống bên trong Yosemite được bảo vệ nghiêm ngặt dù chúng tỏ ra rất thân thiện với con người.
Một chú gấu đang tò mò nhìn du khách
Ở đây, loài Gấu đen chính là biểu tượng của Yosemite. Mặc dù được gọi là "đen", nhưng bộ lông của loài gấu Bắc Mỹ này thường có màu nâu. Chúng hầu như không kén chọn thức ăn: vào mùa xuân, gấu đen ăn các loại cỏ, rễ cây và cả côn trùng như mối, kiến, sâu bọ. Sang mùa hè, chúng có thể tìm thấy nhiều thứ quả chín mọng, đến mùa thu chúng nhấm nháp các quả sồi và sau đó bước sang giai đoạn ngủ đông. Bản tính gấu đen khá hiền lành và tại Yosemite, chúng đã quen vđi sự hiện diện của con người, thậm chí còn rất tò mò chui vào các lều trại và xe cộ trong công viên.